28 July
Bắt kịp kinh tế và nhảy vọt công nghệ: Con đường phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô ở Hàn Quốc
Tác giả: Keun Lee (ch.b), H.Y. Lee, Y.K.Kim,..
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2021
Giới thiệu sách:
Trong mấy thập niên qua, câu chuyện trỗi dậy thành công của Hàn Quốc, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu đã phát triển thần tốc thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực công nghệ, là thành viên của G20 - diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của không chỉ các học giả trên thế giới mà còn của nhiều nhà hoạch định chính sách. Nhiều hướng nghiên cứu đã được thực hiện với mong muốn tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện kỳ tích sông Hàn, cũng như mong muốn rút ra những kinh nghiệm có thể giúp các quốc gia có trình độ xuất phát tương đồng có thể lặp lại kỳ tích đó.
Cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Economic Catch-up and Technological Leapfrogging" do Nhà xuất bản Edward Elgar xuất bản năm 2016, sẽ đưa ra một góc nhìn chân thực về nguyên nhân dẫn đến thành công của Hàn Quốc, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về mô hình và con đường phát triển của đất nước này
Theo tác giả, nguyên nhân khiến Hàn Quốc có thể bắt kịp về kinh tế cũng như trình độ phát triển công nghệ của các nước phát triển phương Tây và Nhật Bản là do họ đã lựa chọn chính xác những ngành công nghệ trọng tâm, những ngành liên quan đến công nghệ số, để đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo ra bước nhảy vọt và có thể nói đã dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực. Ở cấp độ vĩ mô, bên cạnh những tập đoàn khổng lồ nằm trong nhóm những công ty hàng đầu thế giới về quy mô và công nghệ, Hàn Quốc đã phát triển được hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm giữ những công nghệ lõi trong một số lĩnh vực, làm nền tảng cho việc vươn lên thống lĩnh thị trường.
Đặc biệt tác giả đã chỉ ra ba mô hình bắt kịp khác nhau của doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm chiếm lĩnh thị phần thế giới, đó là: “tạo con đường riêng”, “bỏ qua giai đoạn” và “đi theo con đường đã có”, trong đó “tạo con đường riêng” và “bỏ qua giai đoạn” là những mô hình nhảy vọt dựa trên việc xây dựng và phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực công nghệ. Bên cạnh đó, tác giả còn phân tích khá sâu sắc quá trình mở rộng ra thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tối ưu hóa chi phí, thị trường, sản phẩm và dây chuyền sản xuất.
FDI toàn cầu và định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh mới
Tác giả: Hà Văn Hội, Vũ Thanh Hương
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 2022
Nền kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng từ những tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm giữ vững và củng cố vị thế toàn cầu; quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch và Cách mạng công nghiệp 4.0; xu hướng xanh hóa nền kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu hướng bảo hộ mới ở một số quốc gia,.. Đặc biệt sự bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn cầu của đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế thế giới lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Suy thoái kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu. Nếu FDI toàn cầu bị thu hẹp trong một thời gian dài, hậu quả đối với các nước đang phát triển sẽ rất nặng nề và nghiêm trọng bởi các nước này có danh mục dòng vốn FDI đa dạng, nhiều ngành kinh tế phụ thuộc vào FDI và lợi ích tiềm năng của dòng vốn này rất lớn. Việc đóng cửa biên giới trên khắp thế giới để đối phó với đại dịch Covid – 19 đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có và triển vọng suy thoái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia phải đánh giá lại các dự án mới. Bên cạnh đó, xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư các dự án FDI để đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu và quan trọng cho thị trường các nước phát triển.
Là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu nên đã và đang chịu nhiều tác động từ bối cảnh mới của kinh tế thế giới. Những biến động của kinh tế thế giới tuy mang đến nhiều thách thức, song cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho Việt Nam. Các cơ hội đến đến từ tổng hòa rất nhiều yếu tố. Đó là những nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó còn là việc Việt Nam tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã ký kết để thu hút FDI. Đồng thời, những điều chỉnh chính sách trong thu hút FDI một cách chọn lọc và tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng giúp dần cải thiện chất lượng của dòng vốn FDI.
Cuốn sách bao gồm các bài viết được chọn lọc từ Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8/10/2021.
Cuốn sách có hai phần: (1) Tổng quan về dòng FDI toàn cầu trong bối cảnh mới, và (2) FDI vào Việt Nam và định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, trong Phần 1, các bài viết tập trung phân tích sự thay đổi của dòng FDI toàn cầu trong các bối cảnh mới như sự suy giảm trên diện rộng của nền kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng toàn cầu, những biến động địa chính trị. Đánh giá tác động của FDI toàn cầu đến các khía cạnh như chỉ số phát triển con người, chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng sự thay đổi của dòng FDI trên thế giới. Trong Phần 2, mô tả sự thay đổi trong dòng vốn FDI vào Việt Nam về tổng vốn đầu tư đăng ký, vốn đầu tư giải ngân, vốn đầu tư theo đối tác và theo địa điêm đầu tư trong bối cảnh mới. Một số điểm nhấn trong thu hút FDI vào Việt Nam theo đối tác, theo địa điểm đầu tư, theo ngành và dự báo FDI vào Việt Nam đến năm 2030. Những tác động của FDI đến một số khía cạnh như tăng trưởng kinh tế, hội tụ năng suất nhân tố tổng hợp và các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút FDI vào Việt Nam. Trên có sở đó đưa ra những định hướng và hàm ý chính sách thu hút FDI cho Việt Nam trong thời gian tới.
Tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và Lào hướng tới phát triển nhanh và bền vững
Tác giả: Nguyễn Chiến Thắng (ch.b), Phạm Sĩ An, Tô Ánh Dương,..
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Cuốn sách này đề cập đến những nội dung chính như sau: Hệ thống hóa cơ sở lý luận về tái cơ cấu kinh tế theo hướng nhanh và bền vững; Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về tái cơ cấu kinh tế; Phân tích, đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam và Lào trước khi tái cơ cấu kinh tế, những thành tựu và những vấn đề mà các nền kinh tế đang gặp phải; Phân tích, đánh giá các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế hai nước được thực hiện trong giai đoạn vừa qua, đánh giá những kết quả đạt được và chưa đạt được của quá trình tái cơ cấu, chỉ ra các nút thắt, điểm nghẽn của quá trình tái cơ cấu.
Đối với phía Việt Nam, nghiên cứu đã hệ thống hóa và đánh giá các biện pháp của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung đánh giá ba nội dung tái cơ cấu lớn, là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu đầu tư công. Bên cạnh đó tái cơ cấu ba khu vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) cũng được đánh giá ở mức sơ bộ.
Đối với phía Lào, các nội dung, lĩnh vực tái cơ cấu được cụ thể hóa dựa trên đặt hàng của Chính phủ đối với nghiên cứu và thực tiễn tái cơ cấu, cụ thể tập trung vào tái cơ cấu theo các thành phần kinh tế, ngành kinh tế, phát triển vùng, các yếu tố nền tảng.
Phân tích, so sánh kinh nghiệm tái cơ cấu của hai nước. Đồng thời đưa ra các đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hai nước hướng tới phát triển nhanh và bền vững
Phát triển không gian pháp lý thử nghiệm cho công nghệ tài chính và các lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam
Tác giả: Trần Thị Quang Hồng
Nhà xuất bản: Tư pháp
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được đề cập hiện nay đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Sự phát triển không ngừng với tốc độ nhanh và tác động rộng rãi của công nghệ đặt ra những thách thức to lớn đối với hệ thống pháp luật. Thách thức đáng kể nhất chính là việc giải quyết mâu thuẫn: pháp luật vừa phải tạo điều kiện triển khai nhanh để tận dụng các thành tựu công nghệ mới, đồng thời phải bảo đảm trật tự quản lý bằng các quy tắc pháp lý phổ quát, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các lợi ích công khác.
Cuốn sách “Phát triển không gian pháp lý thử nghiệm cho công nghệ tài chính và các lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam” là sự tiếp tục các kết quả từ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” do các tác giả công tác tại Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cùng với nhóm chuyên gia về công nghệ biên soạn.
Cuốn sách khái quát về sự phát triển của không gian pháp lý thử nghiệm trên thế giới, bản chất và cách thức và hành của không gian pháp lý thử nghiệm ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; đồng thời phân tích những ưu và nhược điểm của mô hình này. Trên cơ sở đó, cuốn sách đưa ra những nhận định của các tác giả về những điều kiện để thiết lập các không gian pháp lý thử nghiệm ở Việt Nam và đề xuất để thiết lập các không gian pháp lý thử nghiệm nói chung, cũng như thiết lập không gian pháp lý thử nghiệm trong một số lĩnh vực cụ thể, bao gồm công nghệ tài chính (Fintech),công chứng điện tử, giải quyết tranh chấp trực tuyến và phát triển kinh tế chia sẻ trong thương mại điện tử.
Việt Nam và Vương Quốc Anh: Quan hệ kinh tế, thương mại hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững
Tác giả: Nguyễn Trúc Lê (ch.b), Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Kim Chi,..
Năm 2021 đánh dấu các sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh: chào mừng kỷ niệm 48 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực; Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh. Đặc biệt, tháng 11/2021, Việt Nam tham dự COP26 tại Glaslow, Scotland. COP26 được coi là cơ hội và hy vọng cuối cùng để kìm hãm sự nóng lên của Trái Đất như Thỏa thuận Paris đã được thế giới thông qua vào năm 2015 với kỳ vọng giảm nhiệt độ nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5-20 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội của Việt Nam sẽ kết nối với Vương quốc Anh với tư cách nước chủ trì COP26 nhằm thúc đẩy các giải pháp chính sách, tài chính, kỹ thuật, xã hội hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và Cam kết tự nguyện quốc gia (NDC) để có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải trong Thỏa thuận Paris. Các báo cáo kinh tế và môi trường trên toàn cầu ghi nhận khó khăn và thách thức mà các nước (trong đó có Việt Nam và Vương quốc Anh) đang gặp phải trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế.
Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đặt ra với cả hai bên, “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh 2021” (Vietnam - UK Economic and Trade Forum 2021) do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN chủ trì tổ chức, phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAFCIFOR) và Hội hữu nghị Việt Nam - Anh, hướng tới các mục tiêu: (1) Kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên gắn với giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; (2) Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội; (3) Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường góp phần tháo gỡ các rào cản thương mại đầu tư hiện nay và tăng cường hợp tác quốc tế; (4) Cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế phát thải thấp, hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác thực hiện Thỏa thuận Paris đồng thời đóng góp cho những kiến nghị của Việt Nam tại COP26.
Cuốn sách này là ấn phẩm xuất bản trong khuôn khổ Diễn đàn, nội dung gồm 34 bài viết được cấu trúc theo 3 phần với 3 nhóm chủ đề: Hợp tác thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam và Vương quốc Anh; Phát triển kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế các-bon thấp định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tại Việt Nam và Vương quốc Anh; Hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo hướng nghiệp, khoa học và công nghệ tại Việt Nam và Vương quốc Anh.
Điểm nổi bật của cuốn sách là cung cấp cho người đọc thông tin tổng hợp về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách của Việt Nam và Vương quốc Anh trong tất cả các lĩnh vực hợp tác phát triển, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Quản lý đô thị và quản trị thành phố thông minh
Tác giả: Phạm Đi
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2060, 72% dân số nhân loại sống ở đô thị và 90% tiến trình đô thị hóa diễn ra sôi động ở các nước châu Á và châu Phi. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đang tăng tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhằm tìm vị thế ngang bằng với các nước phát triển châu Âu và Bắc Mỹ.
Đô thị hóa ở Việt Nam được tái khởi động vào những năm 90 của thế kỷ XX. Hiện nay, Việt Nam có hơn 750 khu vực được coi là đô thị, 35% dân số là thị dân, công cuộc đô thị hóa được đẩy nhanh hơn về tốc độ, quy mô nhằm đạt đến 55% vào giữa thế kỷ XXI.
Đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị hóa là nhiệm vụ quan trọng, để làm được điều đó thì hoạt động quản lý đô thị cần phải được chuyên môn hóa, hệ thống hóa, khoa học hóa và phải hướng đến phục vụ nhân dân, nâng cao vị thế của hệ thống đô thị Việt Nam đối với thế giới.
Cuốn sách hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến đô thị từ nguồn gốc đến các nội dung về quản lý đô thị theo từng lát cắt của hệ thống đô thị như: quản lý nhân khẩu đô thị, quản lý trật tự xã hội đô thị, quản lý văn hóa đô thị, quản lý môi trường đô thị, quản lý rủi ro đô thị và các vấn đề, phương pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức hấp dẫn cho một đô thị; đồng thời tiến hành phân tích cơ sở thực tiễn, pháp lý về các phương án xây dựng, quản trị mô thức thành phố thông minh ở Việt Nam.
Economic Impact and Recovery Following a Global Health Crisis
Tác giả: Brian W. Sloboda/Yaya Sissoko
Nhà xuất bản: IGI Global: Business Science Reference
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức trong việc đánh giá tác động của kinh tế vĩ mô và vi mô, cũng như xác định xu hướng kinh tế hiện tại và tương lai. Nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 còn rất tiềm năng, tuy nhiên những nghiên cứu quan trọng về tác động kinh tế còn hạn chế và chưa rõ ràng.
Cuốn sách bao gồm 9 phần chính nhằm đánh giá tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, trong đó đề cập đến các phương pháp phục hồi kinh tế, tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế. Mặt khác, tác giả đã sử dụng các phương pháp thống kê khác nhau và dữ liệu trong thế giới thực để dự đoán và thiết lập các xu hướng cụ thể của công ty và nền kinh tế quốc gia. Cuốn sách này là sự lựa chọn lý tưởng cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong ngành, nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên và sinh viên.
Emerging Economic Models for Global Sustainability and Social Development
Tác giả: Bryan Christiansen/Irina Sysoeva/Alexandra Udovikina
Năm sản xuất: 2019
Thay đổi là một khía cạnh không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Thời gian trôi qua, một vài quy trình và cách thức làm việc không còn phù hợp nữa. Nói đến các hệ thống kinh tế, cần phải xem xét lại các mô hình hiện tại và sửa đổi chúng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu mới ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển.
Cuốn sách gồm 18 chương, nghiên cứu về các chủ đề: chính sách tiền tệ, lý thuyết kinh tế, nghèo đói ở nông thôn… Đây là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết về môi trường kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cũng như phát triển kinh tế trong thời đại siêu cạnh tranh toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự gia tăng của khoảng cách kỹ năng toàn cầu (a growing global skills gap). Cuốn sách này là sự lựa chọn lý tưởng cho các nhà quản lý doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, quan chức chính phủ, nhà nghiên cứu, học giả và học viên cao học đang tìm kiếm kiến thức về các mô hình lý thuyết và thực nghiệm trong hành vi kinh tế (economic behavior).
Progress or Freedom: Who Gets to Govern Society's Economic and Technological Future?
Tác giả: Palgrave Macmillan
Nhà xuất bản: Palgrave Macmillan
Năm xuất bản: 2019
Sự phát triển và tiến bộ của công nghệ mang lại rất nhiều cơ hội, cũng như hy vọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, sự thống trị của công nghệ đang làm thay đổi tính ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu những tham vọng đổi mới này có khiến xã hội của chúng ta có nguy cơ bị suy yếu và bị chi phối bởi các công ty công nghệ hay không? Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng kinh tế trong thời đại bất bình đẳng gia tăng và già hoá dân số? Các chính trị gia đóng vai trò gì trong việc tạo điều kiện cho những thay đổi này?
Cuốn sách gồm 9 phần, thảo luận về những rủi ro mà xã hội chúng ta đang gánh chịu bởi quan điểm ngây ngô và đơn giản về một thiên đường công nghệ - nơi các chính trị gia nhường chỗ cho những new prophets of technology, những người đang thiết kế thế giới của chúng ta sao cho phù hợp với chính họ.
Issues in Global Business: Selections from SAGE Business Researcher
Tác giả: SAGE
Nhà xuất bản: SAGE
Covid-19 đã tác động lớn tới hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Nó làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất và đóng cửa các cửa hàng bán lẻ trên diện rộng, đồng thời hạn chế di chuyển và đi lại trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, những sự kiện như bạo loạn ở Hồng Kông, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,... không chỉ tác động lớn và ngay lập tức đến một khu vực, mà còn lan rộng trên toàn cầu.
Cuốn sách này cung cấp các quan điểm phù hợp và giải thích tác động của các sự kiện như Covid-19, Brexit, tình trạng nhập cư giữa khu vực, sản xuất toàn cầu, Bitcoin, bảo mật dữ liệu,… Với cái nhìn tổng quan toàn diện về bối cảnh kinh doanh trên toàn thế giới, cuốn sách này mang tới cho người đọc những thông tin cần thiết để đánh giá các hoạt động kinh doanh thông qua lăng kính nền kinh tế quốc tế.
Global Challenges and Strategic Disruptors in Asian Businesses and Economies
Tác giả: Patricia Ordonez de Pablos/Miltiadis D. Lytras
Nhà xuất bản: IGI Global: Business Science Referenc
Giới thiệu sách
Những yếu tố gây rối loạn chiến lược trong các công ty và nền kinh tế, bao gồm công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có thể góp phần tạo ra các cơ hội kinh doanh, việc làm và tăng trưởng mới. Chính vì vậy, cần có nghiên cứu về tác động của những yếu tố gây rối này ở châu Á, cũng như các phân tích về hệ sinh thái kinh doanh mới, từ đó đưa ra các hàm ý chính sách.
Cuốn sách này gồm 19 chương, khám phá và thảo luận về trình độ nghệ thuật, các chủ đề mới nổi, thách thức và các yếu tố thành công trong kinh doanh, Big data, đổi mới và công nghệ ở châu Á. Bên cạnh đó, cuốn sách khám phá cách Internet kết nối vạn vật, Big data và trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp giải pháp cho các công ty và thách thức toàn cầu. Với các chủ đề về kinh tế kỹ thuật số, quản lý chiến lược và công nghệ thông tin, cuốn sách này là sự lựa chọn lý tưởng cho các giám đốc điều hành, tổng giám đốc, chính trị gia, doanh nhân, học giả, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và sinh viên.
Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam